Vào lúc 18h30 ngày 21/11/2024 tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Đại Nội Huế, chương trình nghệ thuật “Hòa vọng khúc ca” đã diễn ra. Chương trình là hoạt động giao lưu biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế và Hiệp hội Âm nhạc Truyền thống Gyeonggi Hàn Quốc.
Trong khuôn khổ Festival Huế Mùa đông 2024 và hướng tới kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, với mục đích mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, thúc đẩy trao đổi văn hóa, tình hữu nghị và mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc nhằm bảo tồn, trao truyền và phát triển âm nhạc truyền thống và múa cung đình châu Á, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Hội Âm nhạc Truyền thống Gyeonggi, Hàn Quốc phối hợp tổ chức Chương trình “Hòa vọng khúc ca”.
Trực tiếp chương trình:
6h40: Chương trình bắt đầu với màn tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu.
6h45: Tác phẩm múa truyền thống Sarang-ga - một điệu múa tái hiện lại câu chuyện tình yêu của Choon-hyang và Lee Mong-ryong, trích từ “Chunhyang ga” nổi tiếng của Hàn Quốc, một di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh.
6h54: Tác phẩm dân ca Gyeong-seodo do các nghệ sĩ Park Hyang-im, Kwon Mi-young, Park Hyun-nam, Moon Un-ja, và Kim Tan-bun biểu diễn.
7h04: Múa cung đình: Lân mẫu xuất lân nhi là vũ khúc được xây dựng trên cơ sở của điệu múa "Tứ linh", có nội dung ca ngợi niềm hạnh phúc gia đình và sự trường tồn của nhân loại.
7h13: Độc tấu kèn bầu: “Cung bằng” là một bài bản thuộc hệ thống Đại nhạc (hệ thống Nhã Nhạc), thường được biểu diễn trong những dịp hiếu hỷ của triều đình. Bài Cung Bằng mang ý nghĩa đón mừng các vị thần trong lễ Tế Giao, Tế Xã Tắc... để cầu cho mưa thuận gió hòa, thiên hạ thái bình, muôn dân hạnh phúc.
7h20: Độc tấu sáo Daegeum và Daegeum Sanjo là một dòng nhạc cổ truyền của Hàn Quốc, được lưu truyền qua nhiều thế hệ và mang những nét độc đáo riêng.
7h27: Múa Truyền thống: Taepyeong-mu - Múa thái bình. Điệu múa Taepyeong-mu là Di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt quốc gia Hàn Quốc số 92. Điệu múa tổng hợp nhiều phức nhịp khác nhau, kết hợp những bước nhảy, bước di chuyển nhẹ nhàng vừa phải, làm nổi bật thần thái cùng kỹ năng.
7h33: Tiết mục Ca Huế: Tứ đại cảnh do NSƯT Hoàng Hằng biểu diễn và nhóm múa minh họa. Tứ Đại cảnh là một trong những bài bản tiêu biểu của Ca Huế. Tương truyền làn điệu này được vua Tự Đức sáng tác nhằm ca ngợi bốn cảnh đẹp của đất trời.
7h40: Hòa tấu Tiểu nhạc Phú lục địch do các nghệ sĩ của Nhà hát NTTTCĐ Huế biểu diễn. Phú lục địch là một bài bản thuộc hệ thống tiểu nhạc, có tính chất tao nhã, vui tươi, sang trọng. Ở bài bản này, nhạc cụ Địch (một loại sáo trúc) giữ vai trò chủ đạo, nên có tên là phú lục địch
7h45: Tác phẩm Ca Huế Ông Hoàng Thi Sĩ (Phú lục chậm) do NSƯT Phong Thủy và nhóm múa minh họa biểu diễn. Ông Hoàng Thi Sĩ là làn điệu thuộc hệ thống các bài bản Ca Huế, được viết theo làn điệu Phú lục chậm, hơi Khách, tính chất âm nhạc trung dung, khoan thai, dàn trải.
7h51: dân ca Gyeonggi, một dòng dân ca truyền thống của vùng Gyeonggi và Seoul. Với giai điệu nhẹ nhàng, tươi vui, dân ca Gyeonggi thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc trong đời sống thường nhật, từ niềm vui đến nỗi buồn.
8h07: Tiết mục Samulnori “Seonban” được trình diễn bởi đội Pungmulpae Kkokkume. Samulnori "Seonban" là một hình thức trình diễn được phát triển từ trò chơi truyền thống của những nghệ sĩ Nam-Sadang trong quá khứ, mang không khí náo nhiệt vào sân khấu trong nhà.
8h26: Bài hát kết thúc chương trình: Arirang và Gyeongbokgung Taryeong do các nghệ sĩ của Nhà hát NTTTCĐ Huế và Hội Âm nhạc Truyền thống Gyeonggi, Hàn Quốc đồng biểu diễn.
8h30: Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam và Hàn Quốc “Hòa vọng Khúc ca” đến đây là kết thúc.
Chúng tôi hy vọng quý Đại biểu và khán giả đã có những cảm xúc tuyệt vời, những khoảnh khắc đáng nhớ để thêm yêu quý và trân trọng di sản văn hóa truyền thống của hai quốc gia Việt Nam – Hàn Quốc. Một lần nữa, xin trân trọng cảm ơn và hẹn gặp lại!